Động kinh là một bệnh nặng, mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động của bệnh nhân. Bệnh chiếm tỷ lệ 0,6% dân số, biểu hiện rất đa dạng và phong phú. Động kinh có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng có đến 1/2 số trường hợp bệnh khởi phát ở độ tuổi trước 20, vì vậy, chúng để lại di chứng rất nặng nề cho bệnh nhân, khiến họ dễ trở thành người tàn phế, thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể bình phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn, hoà nhập tốt với xã hội và có cuộc sống ổn định.
Thuốc chống động kinh ngày nay rất đa dạng và phong phú, việc lựa chọn thuốc điều trị sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, khả năng kinh tế của bệnh nhân và các tác dụng phụ là rất quan trọng để bệnh nhân có thể điều trị lâu dài bằng thuốc và có cơ hội phục hồi khả năng lao động và học tập.
Phenobarbital (gardenal)
Đây là thuốc ngủ nhóm barbituric nhưng có tác dụng điều trị động kinh cơn lớn và động kinh cục bộ. Tuy nhiên, liều độc của thuốc rất gần với liều điều trị, vì vậy dễ gây tai nạn trong điều trị, có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Hơn nữa, hiệu quả của thuốc không cao, tác dụng phụ rất nhiều là nguyên nhân chính khiến các bác sĩ hạn chế sử dụng thuốc này. Tác dụng phụ “đáng sợ” nhất của gardenal là làm giảm trí tuệ của bệnh nhân sau một thời gian dài dùng thuốc. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, các bệnh nhân dùng gardenal để điều trị động kinh sẽ có chỉ số IQ rất thấp, nhưng nếu chuyển sang điều trị động kinh bằng các thuốc khác như valproat, carbamazepin thì IQ tăng lên thêm 15 – 20 điểm và có thể trở về mức bình thường. Như vậy thuốc gardenal khiến bệnh nhân “đần độn” nhiều hơn cả bệnh động kinh, và thuốc chính là thủ phạm gây mất khả năng lao động cho bệnh nhân. Tiếc thay, do nhiều lý do khác nhau, đến nay gardenal vẫn được dùng rất phổ biến trong lâm sàng để điều trị bệnh động kinh.
Phenytoin (sodanton)
Thuốc này có hiệu quả điều trị động kinh cục bộ, động kinh cơn lớn tốt hơn gardenal. Nhưng thuốc cũng có rất nhiều tác dụng phụ. Tác dụng phụ hay gặp nhất là mất ham muốn tình dục ở nữ và liệt dương ở nam sau một thời gian dài điều trị. Ngoài ra, cũng như gardenal, thuốc gây giảm trí tuệ rõ rệt ở các bệnh nhân, dần khiến họ trở thành “đần độn”, vì thế ngày nay thuốc ít được sử dụng trong lâm sàng.
Valproat (depakin, encorat)
Đây là thuốc chống động kinh có hiệu quả tốt trong đa số các bệnh nhân động kinh cục bộ, cơn lớn, cơn bé… vì vậy hay được lựa chọn sử dụng trong lâm sàng. Thuốc ít tác dụng phụ, không gây giảm trí tuệ ở bệnh nhân động kinh. Mặt khác, thuốc có tác dụng chỉnh khí sắc, vì vậy còn có hiệu quả điều trị các rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân động kinh. Tác dụng phụ đáng lưu ý nhất là gây dị tật ở đốt sống cổ cho thai nhi ở người mẹ động kinh điều trị bằng valproat. Vì thế, người ta khuyến cáo không nên sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu. Nếu bắt buộc phải dùng thì phải giảm liều tối đa (không quá 400mg/ngày). Thuốc đóng viên 200mg, 300mg, 500mg. Liều trung bình 800mg/ngày, chia làm 2 lần (sáng 400mg, tối 400mg).
Carbamazepin (tegretol)
Đây là thuốc chống động kinh tốt cho các cơn động kinh cục bộ, động kinh cơn lớn, nhưng không có tác dụng cho động kinh cơn bé. Ngoài ra, thuốc còn dùng để điều trị đau dây thần kinh số V, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đái tháo nhạt… Tuy nhiên, thuốc hay gây dị ứng chậm (xuất hiện 10-15 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc), vì thế tình trạng dị ứng thường rất nặng nề. Để tránh dị ứng, người ta cần tăng liều thuốc từ từ, trong 2 tuần đầu chỉ dùng 400mg/ngày. Nếu thấy dị ứng thuốc thì ngừng thuốc ngay và dùng corticoid để điều trị dị ứng. Do dùng liều thấp nên dị ứng không quá nặng nề. Sau 2 tuần, nếu không có dị ứng thì chúng ta tăng liều đến liều đủ đáp ứng điều trị (thường là 800mg/ngày).
Oxcarbazepin (oxetol)
Đây là thuốc chống động kinh mới, có hiệu quả cao với các cơn động kinh cục bộ, động kinh cơn lớn. So với carbamazepin thì thuốc này ít gây dị ứng, hiệu quả cao hơn hẳn. Ngoài ra, thuốc còn dùng để điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đau dây thần kinh số V. Thuốc đóng viên 150mg và 300mg, ngày dùng từ 600mg đến 1.200mg, chia làm 2 lần (sáng, tối). Thuốc không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân.
Toprimac (topamax)
Đây là thuốc chống động kinh mới, có tác dụng cả trên cơn cục bộ, cơn lớn, cơn bé… Thuốc có tác dụng cả trên các bệnh nhân động kinh đã điều trị bằng các thuốc chống động kinh khác nhưng thất bại. Thuốc không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân. Đóng viên 25mg và 50mg. Liều dùng 100mg-200mg/ngày, chia làm 2 lần sáng và tối.
Lamotrigin (lamotor)
Đây là thuốc chống động kinh có hiệu quả rất tốt trên các cơn cục bộ, cơn lớn kể các các trường hợp động kinh kháng trị. Thuốc không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân. Thuốc đóng viên 25 và 50mg, ngày dùng 200mg-400mg, chia làm 2 lần sáng và tối.
Levetiracetam (keppra)
Thuốc chống động kinh mới, có tác dụng điều trị các trường hợp động kinh cục bộ và cơn lớn, kể cả các trường hợp kháng điều trị. Thuốc không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân. Thuốc đóng viên 500mg, ngày dùng trung bình 1.000mg, chia làm 2 lần (sáng và tối).
Nói chung, các bệnh nhân động kinh cần điều trị lâu dài, có thể dùng một thuốc hoặc phối hợp 2-3 loại thuốc chống động kinh với nhau để tăng hiệu quả điều trị. Bệnh nhân cần phải được khám và làm điện não kiểm tra định kỳ để có thể điều chỉnh thuốc được hợp lý và chính xác.
TS. Trần Đại Lợi (Chủ nhiệm Khoa tâm thần – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương)
Nhiều loại thuốc tây quá, biết chọn loại nào bây giờ?
Trả lờiXóa